Cuộc sống của chúng ta vốn được vận hành bởi các nguyên lý mang tính phổ quát (universal) và trường tồn (timeless), đó là một sự thật không thể phủ nhận. Những nguyên lý này chi phối mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, từ những điều hiển nhiên như hoạt động của chiếc kim la bàn cho đến những quy luật phức tạp hơn trong cuộc sống.
1 - Các nguyên lý phổ quát
Nhà vật lý học và hiền triết thiên tài Albert Einstein từ khi 4 tuổi,ông đã rất tò mò khi thấy chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc.
Khi lớn lên, Einstein đã hiểu được rằng sự hoạt động của chiếc kim la bàn chịu sự chi phối của các nguyên lý từ trường địa cầu - một trong những nguyên lý phổ quát và trường tồn điều khiển cả hành vi của vạn vật trong vũ trụ.
Bạn hành động, các nguyên lý sẽ trả lời kết quả.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể kiểm soát những hành động của mình, nhưng không thể kiểm soát được hoàn toàn kết quả nhận được từ những hành động đó. Các nguyên lý, quy luật tự nhiên kiểm soát chúng.
Ví dụ, nếu bạn ném một quả bóng lên không trung, bạn có thể kiểm soát được việc ném bóng như thế nào, nhưng bạn không thể kiểm soát được bóng sẽ rơi xuống đất ở đâu, vì lực hấp dẫn của trái đất, một trong những nguyên lý tự nhiên, sẽ chi phối kết quả cuối cùng.
Hoặc như việc bạn gieo hạt giống vào một vườn. Bạn có thể kiểm soát việc bạn gieo hạt giống nào, và bạn gieo chúng ở đâu. Nhưng sau khi hạt giống được gieo, nó sẽ mọc lên hay không, và nếu có thì sẽ trở thành cây gì - tất cả đều do các nguyên lý tự nhiên quyết định.
Các nguyên lý này có thể diễn dịch sang lĩnh vực Vật lý như Luật Hấp dẫn, Luật bảo toàn năng lượng; hay diễn dịch sang Tôn giáo qua các lời răn trong giáo lý.... Nhưng về bản chất, đó chính là các nguyên lý chi phối cuộc sống.
Ví dụ trong Vật lý gọi là “luật hấp dẫn” (Law of Attraction) là một trong những quy luật phổ quát và mạnh mẽ nhất của vũ trụ, thì trong Kinh Thánh có lời dạy tương tự “Hãy gõ cửa sẽ mở, hãy tìm rồi sẽ được”. Khi bạn mong muốn một điều gì đó, không ngừng suy nghĩ và hành động vì nó. Bằng một cách nào đó, bạn nhận lại được điều mình muốn. Đó là luật hấp dẫn.
Ví dụ, khi bạn cư xử tốt với ai đó, bạn nhận lại được một nụ cười cảm ơn của họ. Đó là luật nhân quả.
Các mối quan hệ dựa trên nền tảng lợi ích, ở đó luôn có người thua thiệt và người được lợi thì chắc chắn sẽ không bền vững. Đó là quy luật về tính tương thuộc.
Còn rất nhiều các nguyên lý khác giúp cuộc sống vận hành.
2 - Sống thuận theo các nguyên lý phổ quát
Nếu tiếp cận cuộc sống theo hướng này, thì những người hạnh phúc và thành công nhất là những người hiểu rõ được các nguyên lý đang vận hành thế giới, và đơn giản là sống thuận theo các nguyên lý.
Đó là những giá trị phổ quát của nhân loại, được diễn đạt bằng các từ ngữ như: công bằng, chính nghĩa, dũng cảm, thành thật, nhẫn nại, nỗ lực, tử tế, chu đáo, khiêm tốn, bác ái, v.v..
Họ đặt các nguyên lý phổ quát làm giá trị sống của mình. Một cách tự nhiên, họ hạnh phúc và thành công.
Người phương Tây gọi điều này là Principle-Centered, ở phương Đông cả ngàn năm trước Lão Tử cũng nói về điều này trong triết lý “Vô Vi” (Để mọi việc thuận theo tự nhiên).
Để sống theo nguyên lý, bạn cần hội đủ 3 yếu tố: Học hỏi - Khiêm Nhường & Can Đảm.
Yếu tố học hỏi
Yếu tố sẽ giúp bạn tìm kiếm ra các nguyên lý, và xác định xem nguyên lý nào phù hợp với mình. Mình sẽ có một bài nói về cách tìm ra các nguyên lý sau.
Yếu tố khiêm nhường.
Sở dĩ nó cần thiết vì như giáo sư Stephen R.Covey đã nói “Khiêm nhường là mẹ của mọi đức hạnh”. Người khiêm nhường sẽ biết bỏ qua cái tôi của mình, nhường bước cho những nguyên lý đúng đắn và điều chỉnh mình hài hoà với những nguyên lý.
Yếu tố can đảm.
Nếu như khiêm nhường là mẹ, thì can đảm được xem là cha của mọi đức hạnh. Đặt trường hợp mọi thứ diễn ra với bạn đều tốt đẹp, không khó để sống theo những nguyên lý như “chính trực”, “tôn trọng”. Nhưng khi khó khăn ập đến, bạn sẽ cần có nhiều sự can đảm để sống theo nguyên lý, thay vì đầu hàng và chọn những giải pháp tình thế dễ dàng hơn.
3 - Lựa chọn những giá trị phổ quát
Hiểu đơn giản sẽ có những nguyên tắc phổ quát hơn bao trùm những nguyên tắc khác. Nếu có hai nguyên tắc dùng làm cơ sở để đưa ra quyết định mà xung đột nhau, thì chúng ta phải theo nguyên tắc cao hơn, phổ quát.
Ví dụ 1: Chúng ta thường nghe nói nhiều về khái niệm Thông cảm, Đồng Cảm và Trắc Ẩn nhưng ít ai biết rằng trắc ẩn bao trùm lên thông cảm và đồng cảm.
Hiểu đơn giản, có trắc ẩn nghĩa là bạn cũng biết thông cảm và đồng cảm với người khác.
Thông cảm: Ví dụ với một bạn nhân viên đến buổi họp muộn, mặt mày bơ phờ và bạn biết gia đình bạn này mới có em bé. Bạn sẽ nói “Chắc hôm qua lại thức chăm con phải không em? Thôi không sao, mọi người cũng mới bắt đầu thôi, mình tiếp tục họp, em theo dõi theo nhé!” Như vậy là thông cảm.
Đồng cảm: Ví dụ một người bạn mới mất một chú mèo vì bệnh; bạn nghĩ đến việc người bạn này sẽ buồn bã, thương nhớ chú mèo thế nào và thậm chí xúc động chảy nước mắt khi nghĩ đến nỗi buồn đó. Bạn cảm thấy buồn giống như cách người bạn kia buồn vậy. Như vậy là đồng cảm.
Trắc Ẩn: không những là thông cảm, hay đồng cảm cho tình huống khó khăn của một người; mà còn mong muốn hành động để vơi đi nỗi đau của họ.
Hầu hết trong mọi tình huống, trắc ẩn sẽ đi kèm với một hành động mềm mỏng, nhân ái giúp người khác bớt đi nỗi đau. Ví dụ, bạn thấy một ai đấy lang thang cơ nhỡ, bạn không chỉ buồn thương cho họ, mà còn ghé lại cho họ ít tiền, đồ ăn, quần áo, giúp tìm kiếm những địa chỉ cưu mang họ.
Nhưng trong một số tình huống, trắc ẩn sẽ là một hành động rất cứng rắn, dứt khoát. Ví dụ, bạn thấy một nhân viên liên tục gặp lỗi sai, giải thích hoài không sửa; bạn nghiêm túc kỷ luật, yêu cầu nhân viên ấy thực hiện theo những điều đúng đắn của công ty… cũng là một điều tốt (cho tương lai) của bạn ấy.
Ví dụ 2: Khẩu hiệu của cách mạng Pháp là “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.
Trong 3 giá trị này, chúng ta có thể nhận thấy Tự do và Bình Đẳng đôi lúc sẽ mâu thuẫn nhau. Bởi lẽ giá trị “Tự Do” sẽ thúc đẩy con người vươn đến những cá thể khác biệt về tính cách, học thức, thu nhập, giai cấp; còn giá trị “Bình Đẳng” sẽ thúc đẩy xã hội theo hướng bình đẳng, chia sẻ công bằng tài nguyên, cơ hội.
Vậy nên mới cần giá trị “Bác ái” bao phủ lên tất cả. Trong thiên chúa giáo quan niệm “Lòng Bác Ái Là Đức Tính Lớn Nhất trong Mọi Đức Tính”. Bác ái hiểu đơn giản là dành tình yêu thương và mối quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội, từ đó đưa ra những giải pháp có lợi cho tất cả các bên hữu quan.
Các bạn có thể đọc thêm một số ví dụ khác tương tự qua bài viết dưới đây.
Bài viết hay quá, em cảm ơn anh Thụ ạ.