Nguyên tắc phổ quát hơn - cách để đưa ra quyết định sáng suốt & nhanh chóng
Chất lượng cuộc sống là chất lượng của từng lựa chọn chúng ta đưa ra. Vì vậy việc chuẩn bị cho mình một nền tảng cơ bản để đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp là một việc vô cùng cần thiết
Trong giáo dục, chúng ta biết có hai nhóm bộ môn Tự nhiên học, gồm các môn như Toán, Lý, Hóa; và Xã hội học gồm các bộ môn như Văn, Sử, Triết.
Những vấn đề liên quan đến Tự nhiên học thì rất dễ định lượng, đúng sai. Ví dụ như các phép tính cộng trừ nhân chia thì chắc chắn chỉ có một kết quả đúng, hay các công thức hóa học với cùng một điều kiện đầu vào thì chắc chắn có kết quả đầu ra giống nhau.
Nhưng đa phần trong cuộc sống lại là vấn đề của Xã hội học, đôi khi chúng ta phải lựa chọn giữa cái đúng và cái đúng hơn (chứ không có đúng - sai).
Ví dụ một người cha đứng giữa lựa chọn “Nên đi công tác hay nên ở nhà dự sinh nhật con” cũng là sự lựa chọn giữa 2 điều đúng; tùy vào quan điểm và mối quan tâm mà anh ấy sẽ đưa ra quyết định.
Chất lượng cuộc sống là chất lượng của từng lựa chọn chúng ta đưa ra. Vì vậy việc chuẩn bị cho mình một nền tảng cơ bản để đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp trong từng thời điểm là một việc vô cùng cần thiết.
Với nguyên tắc điều phổ quát hơn, bạn có cho mình lăng kính để giúp bạn phân biệt phải trái, đúng sai tốt nhất.
Hiểu đơn giản sẽ có những nguyên tắc phổ quát hơn bao trùm những nguyên tắc khác. Nếu có hai nguyên tắc dùng làm cơ sở để đưa ra quyết định mà xung đột nhau, thì chúng ta phải theo nguyên tắc cao hơn, phổ quát.
Ví dụ 1: Trong một tổ chức, một nhân viên gửi báo giá đã được quản lý duyệt đi cho khách hàng, nhưng người nhân viên này phát hiện một lỗi sai.
Theo nguyên tắc làm việc cá nhân của người nhân viên này, bạn ấy sửa lại lỗi sai và gửi báo giá đã sửa cho khách hàng.
Nghe thì có vẻ đúng, nhưng nếu chiếu theo nguyên tắc của công ty, bạn không thể tự ý sửa lại và gửi lại khách hàng mà phải thông báo với quản lý, xem xét lại và xác nhận cho bạn.
Trong trường hợp này, quy định của công ty sẽ cao hơn quan điểm cá nhân và hành động của bạn.
Ví dụ 2:
Tương tự khi xem xét ở quy mô lớn hơn ta có thể dễ dành nhận thấy, luật pháp của một quốc gia sẽ lớn hơn quy định của một công ty, hiến pháp sẽ cao hơn luật pháp; nhân quyền sẽ cao hơn hiến pháp.
Vì vậy, để thực sự là một người hiểu rõ phải trái đúng sai trong những trường hợp cụ thể; bạn cũng nên tìm hiểu về Hiến pháp - Constitution (trong phạm vi quốc gia), và Nhân quyền - Human Rights (trong phạm vi toàn thế giới). Những thông tin này hoàn toàn có thể được tìm thấy qua sách vở, internet.
Ví dụ 3: Chúng ta thường nghe nói nhiều về khái niệm Thông cảm, Đồng Cảm và Trắc Ẩn nhưng ít ai biết rằng trắc ẩn bao trùm lên thông cảm và đồng cảm.
Hiểu đơn giản, có trắc ẩn nghĩa là bạn cũng biết thông cảm và đồng cảm với người khác.
Thông cảm: Ví dụ với một bạn nhân viên đến buổi họp muộn, mặt mày bơ phờ và bạn biết gia đình bạn này mới có em bé. Bạn sẽ nói “Chắc hôm qua lại thức chăm con phải không em? Thôi không sao, mọi người cũng mới bắt đầu thôi, mình tiếp tục họp, em theo dõi theo nhé!” Như vậy là thông cảm.
Đồng cảm: Ví dụ một người bạn mới mất một chú mèo vì bệnh; bạn nghĩ đến việc người bạn này sẽ buồn bã, thương nhớ chú mèo thế nào và thậm chí xúc động chảy nước mắt khi nghĩ đến nỗi buồn đó. Bạn cảm thấy buồn giống như cách người bạn kia buồn vậy. Như vậy là đồng cảm.
Trắc Ẩn: không những là thông cảm, hay đồng cảm cho tình huống khó khăn của một người; mà còn mong muốn hành động để vơi đi nỗi đau của họ.
Hầu hết trong mọi tình huống, trắc ẩn sẽ đi kèm với một hành động mềm mỏng, nhân ái giúp người khác bớt đi nỗi đau. Ví dụ, bạn thấy một ai đấy lang thang cơ nhỡ, bạn không chỉ buồn thương cho họ, mà còn ghé lại cho họ ít tiền, đồ ăn, quần áo, giúp tìm kiếm những địa chỉ cưu mang họ.
Nhưng trong một số tình huống, trắc ẩn sẽ là một hành động rất cứng rắn, dứt khoát. Ví dụ, bạn thấy một nhân viên liên tục gặp lỗi sai, giải thích hoài không sửa; bạn nghiêm túc kỷ luật, yêu cầu nhân viên ấy thực hiện theo những điều đúng đắn của công ty… cũng là một điều tốt (cho tương lai) của bạn ấy.
Ví dụ 4: Khẩu hiệu của cách mạng Pháp là “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.
Trong 3 giá trị này, chúng ta có thể nhận thấy Tự do và Bình Đẳng đôi lúc sẽ mâu thuẫn nhau. Bởi lẽ giá trị “Tự Do” sẽ thúc đẩy con người vươn đến những cá thể khác biệt về tính cách, học thức, thu nhập, giai cấp; còn giá trị “Bình Đẳng” sẽ thúc đẩy xã hội theo hướng bình đẳng, chia sẻ công bằng tài nguyên, cơ hội.
Vậy nên mới cần giá trị “Bác ái” bao phủ lên tất cả. Trong thiên chúa giáo quan niệm “Lòng Bác Ái Là Đức Tính Lớn Nhất trong Mọi Đức Tính”. Bác ái hiểu đơn giản là dành tình yêu thương và mối quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội, từ đó đưa ra những giải pháp có lợi cho tất cả các bên hữu quan.
Ví dụ 5: Các giá trị Nói sự thật, trung thành và chính trực.
Giả sử bạn đang làm việc trong một tổ chức và phát hiện điều sai trái bên trong. Giá trị trung thành nói bạn phải giữ kín, bảo vệ cho tổ chức; nhưng giá trị nói sự thật bảo bạn phải công khai sai phạm này.
Đây là lúc giá trị chính trực bao trùm lên tất cả. Chính trực yêu cầu bạn phải khách quan, nói sự thật nhưng cũng đảm bảo sự thật ấy được kiểm chứng và có chịu trách nhiệm liên đới với những điều mình nói ra.
Và còn rất nhiều những giá trị phổ quát hơn khác đang tồn tại trong cuộc sống. Khi hiểu thấu chúng rồi, bạn sẽ thấy những quyết định của mình được đưa ra nhanh hơn, sáng suốt hơn; hoặc chí ít bạn cũng không ân hận khi nhìn lại một quyết định mình đưa ra (vì bạn dựa trên 1 nguyên tắc phổ quát).
Tạm kết:
Một câu thành ngữ nói rằng “Tầm vóc của một con người, phụ thuộc vào những điều người ấy đang quan tâm”. Việc tìm kiếm và nhìn thấy các nguyên tắc phổ quát hơn không phải là điều dễ dàng.
Chúng ta cần phải học tập, trải nghiệm và quan tâm đến những vấn đề cần thiết trong cuộc sống của mình.
Đó sẽ là một hành trình dài, nhiều thử thách và không bao giờ dừng lại. Nhưng những điều mà chúng ta thu nhận được trong hành trình ấy lại xứng đáng vô cùng.
Bài viết rất hay anh ạ :)
Bài viết hay quá a ơi! 😍