The ART of Negotiation - Nghệ thuật đàm phán.
Kỹ năng đàm phán là một phần quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận và giải quyết xung đột trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Cả thế giới chú ý màn tranh luận nảy lửa giữa ông Trump và ông Zelensky ở Nhà Trắng làm chúng ta hiểu hơn vai trò của đàm phán trong những tình huống giao tiếp khó như vậy.
Kỹ năng đàm phán là một phần quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận và giải quyết xung đột trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Theo các chuyên gia đại học Harvard, cách tiếp cận hiệu quả trong đàm phán không chỉ đơn thuần là giành chiến thắng mà còn là tìm kiếm các giải pháp thỏa mãn cả hai bên.
Đàm phán không nên được coi như một trận đấu mà một bên thắng và một bên thua. Thay vào đó, mục tiêu là tìm ra các giải pháp có thể đáp ứng nhu cầu của cả hai bên. Dưới đây là 4 lưu ý quan trọng trong đàm phán.
Lưu ý 1: Tập Trung Vào Lợi Ích Của 2 bên, Không Phải Vị Trí
Hiểu lý do phía sau yêu cầu: Quan trọng là phải hiểu tại sao một bên lại đưa ra những yêu cầu cụ thể. Thay vì bám chặt vào vị trí cứng nhắc, hãy chuyển sang tìm hiểu lợi ích chung để đạt được kết quả tốt hơn.
Ví dụ: Trong một văn phòng nọ, có người rất thích mở cửa sổ, còn người còn lại thì rất thích đóng cửa.
Hóa ra nhu cầu của người số 1 là cần không khí trong lành, và nhu cầu của người số 2 là giấy tờ không bị xáo trộn khi gió từ cửa sổ bay vào. Vấn đề đã được giải quyết bằng cách mở một cửa sổ ở vị trí khác.
Bên cạnh đó, việc thiết lập mối quan hệ trước khi đàm phán cũng rất cần thiết. Việc xây dựng mối quan hệ thân thiện trước khi bước vào đàm phán có thể tăng tỷ lệ thành công lên 25-30%. Các tương tác không chính thức giúp tạo ra sự hiểu biết và lòng tin giữa các bên.
Lưu ý 2: Sử Dụng Tiêu Chuẩn Công Bằng
Dựa vào tiêu chí khách quan: Sử dụng các tiêu chuẩn khách quan như tiêu chuẩn thị trường, ý kiến của chuyên gia, hoặc ý kiến mà cả hai bên đều đồng thuận để giải quyết tranh chấp.
Ví dụ: Làm sao để chia một cái bánh công bằng cho hai đứa trẻ. Thật đơn giản, hãy để đứa trẻ thứ nhất sẽ cắt bánh, đứa trẻ còn lại sẽ được chọn phần trước.
Lưu ý 3: Tách Biệt Con Người Khỏi Vấn Đề
Giải quyết vấn đề mà không công kích cá nhân: Điều này giúp duy trì mối quan hệ và tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp.
Lưu ý 4: Đối mặt với các “chiến thuật” công kích của đối phương trong đàm phán.
Chiến thuật thao túng phổ biến nhất là "cảnh sát tốt, cảnh sát xấu”, bên đối phương sẽ có 2 vai, một người liên tục công kích, một người đóng vai hòa giải, dẫn dắt bạn theo ý định họ đã định sẵn. Hãy cảnh giác để nhận thức việc này.
Chiến thuật tấn công cá nhân: đối phương sẽ không nói về vấn đề mà chuyển sang công kích cá nhân, đổ lỗi cho bạn. Khi bị tấn công cá nhân, hãy chuyển hướng sự chú ý từ cuộc tấn công sang vấn đề chính bằng cách yêu cầu lời khuyên hoặc mời gọi sự chỉ trích mang tính xây dựng.
Khi áp dụng những nguyên tắc này vào thực tế, bạn có thể đạt được những thỏa thuận bền vững hơn và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác đàm phán. Đây cũng là cơ hội để phát triển kỹ năng giao tiếp và quản lý xung đột hiệu quả hơn.