Tầm nhìn & Sứ mệnh. Khái niệm cũ mà mới.
Sự khác biệt cơ bản giữa tầm nhìn và sứ mệnh đó là, tầm nhìn là ta muốn có một cái gì đó (cho bản thân), một mong ước đầy thực dụng; còn sứ mệnh là ta mang một lý tưởng gì đó (cho người khác)
Khi khởi sự một công việc, một công ty, tổ chức… người ta thường đặt ra câu hỏi “Sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức là gì?”
Hay một số người thường hỏi: Sứ mệnh có trường hay tầm nhìn có trước?
Hoặc sự khác biệt cơ bản khi đưa ra một tuyên bố về tầm nhìn và sứ mệnh là như thế nào?
Mời mọi người cùng tham khảo một số góc nhìn về điều này, trích từ cuốn Quản trị bằng văn hóa của tác giả Giản Tư Trung, nhà sáng lập và hiệu trưởng trường doanh nhân PACE.
Tầm nhìn hay có thể gọi là hoài bão, khát vọng.. là mục tiêu, vị thế mà doanh nghiệp muốn đạt được trong một khoảng thời gian xác định; có thể là 1 năm, 3 năm, 5 năm, hàng chục năm. Tầm nhìn trả lời 2 câu hỏi.
(1) Doanh nghiệp sẽ đạt được vị thế gì, trong thời gian bao lâu?
(2) Doanh nghiệp muốn đạt được điều gì?
Sứ mệnh là lý do ra đời, tồn tại, lẽ sống của doanh nghiệp. Sứ mệnh trả lời 2 câu hỏi.
(1) Doanh nghiệp tồn tại để làm gì?
(2) Doanh nghiệp mang lại giá trị cho ai, và bằng cách nào?
Sự khác biệt cơ bản giữa tầm nhìn và sứ mệnh đó là, tầm nhìn là ta muốn có một cái gì đó (cho bản thân mình) - một mong ước đầy thực dụng (vì mình); còn sứ mệnh là ta mang một lý tưởng gì đó (cho người khác).
Hãy lấy ví dụ của một người bán bánh. Anh ta bán bánh vì mong muốn kiếm tiền - một mong muốn thực dụng, vì mình. Nhưng làm sao để công việc bán bánh của anh ta kiếm được nhiều tiền? Anh ta phải bán thật nhiều bánh, bánh phải có chất lượng tốt, ngon, vệ sinh, dịch vụ tốt, giá cả tốt. Vậy nên anh ta phải dồn tâm sức để tạo nên những chiếc bánh ngon, phải dành tâm huyết để tạo nên dịch vụ khách hàng tốt…
Vậy thì anh ta đang vì ai? Câu trả lời là cả hai. Vừa vì mình: muốn phát triển công việc làm bánh và kiếm tiền; vừa vì người: muốn mang đến khách hàng những chiếc bánh ngon với dịch vụ tốt.
Vậy người kinh doanh khôn ngoan là người thực dụng hay lý tưởng? Câu trả lời là, người kinh doanh không ngoan là người vô cùng lý tưởng (vì người); và cũng cực kỳ thực dụng (vì mình).
Bởi lẽ “thực dụng khôn khoan” và “lý tưởng thực tế” thì không mâu thuẫn mà còn bổ trợ cho nhau. Chỉ có thực dụng ngu ngốc và lý tưởng sáo rỗng thì mới luôn mâu thuẫn nhau.
Chính Adam Smith, người được xem là cha đẻ của kinh tế học hiện đại cũng đã nói một câu nổi tiếng với ý tưởng tương tự “Khi ta có một bữa ăn ngon, không phải nhờ vào lòng tốt của người bán thịt, bán rượu hay người làm bánh; mà là do sự tư lợi, hay ích kỷ của họ.”
Tư lợi, hay ích kỷ trong trường hợp này thể hiện cho sự thực dụng, tìm kiếm thặng dư cho bản thân mình của công việc kinh doanh; chứ không hề mang nghĩa xấu xí, đáng phê phán.