"Sự thật sẽ giải phóng chúng ta".
Ngay trong khoảnh khắc chạm tới thông điệp này, mình cảm giác như khám phá ra một điều gì đó rất lớn lao và bình an.
Trong một dịp tình cờ, lật cuốn “Lãnh Đạo Tỉnh Thức - The Mindful Leader” của Michael Bunting, mình bắt gặp ngay câu này:
“The true will set you free - Sự thật sẽ giải phóng chúng ta.”
Ngay trong khoảnh khắc đó, mình cảm giác như khám phá ra một điều gì đó rất lớn lao và bình an.
Gandhi từng nói: “Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony”. Tạm dịch là: Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, những gì bạn nói và những gì bạn làm hài hoà, nhất quán với nhau.
Hiểu đơn giản đó là khi bạn được là chính mình trong mọi hoàn cảnh.
Như câu nói cũ “Tobe rather than seem”, mình tạm dịch: “Là chính mình quan trọng hơn vẻ bề ngoài.”
Hiểu được điều này cho chúng ta một bài học vô giá: Hãy ngừng chạy trốn khỏi bản chất con người mình & chấp nhận là mình không hoàn hảo.
Nó cũng cho chúng ta hiểu rằng: Đừng cố gắng diễn dịch sự vật, công việc hay người khác theo cách chúng ta muốn, mà theo cách đúng bản chất nó đang diễn ra.
Một người hiểu được điều này, sẽ có những biểu hiện ra bên ngoài giống như thế này:
Với họ, ly cafe không ngon hơn khi họ vui, hay không đắng hơn khi họ buồn.
Khi họ làm sai, họ chấp nhận sự thật rằng họ thiếu kiến thức, kinh nghiệm, may mắn; đón nhận điều đó với sự tử tế với bản thân. Quan trọng hơn, họ tha thứ cho bản thân và cho phép mình có cơ hội được làm lại tốt hơn.
Họ biết thừa nhận mình sai, yếu kém và can đảm nhờ sự giúp đỡ… và đó có lẽ mới là mạnh mẽ thật sự.
Họ biết bỏ qua kinh nghiệm cá nhân, nhường bước cho những ý tưởng mới mẻ, đúng đắn.. đó là khiêm nhường thực sự.
Sự đón nhận bản thân và cuộc sống một cách khách quan và tử tế này giúp chúng ta phát triển sự vững vàng bên trong.
Có một thực tế là hầu hết vấn đề khó khăn trong công việc, cuộc sống đều liên quan đến sự thành thật:
Một cuộc hôn nhân đến từ việc không được sống thật với tình yêu của mình, mà phải theo sự sắp xếp của gia đình dẫn đến sự đổ vỡ lường trước được.
Một người không bày tỏ chân thật quan điểm của mình với sếp, dẫn đến việc chấp hành miễn cưỡng, làm việc chán trường.
Một thành viên trong nhóm không chia sẻ thật những yếu kém của mình, khiến cả nhóm trở tay không kịp khi gặp những sai sót.
Ở góc độ ngược lại, thử nghĩ mà xem, khi làm được những gì Gandhi nói “những gì bạn nghĩ, nói và làm hài hoà, nhất quán”, bạn sẽ có được những lợi ích sau:
Bạn sẽ rất tự do, thoải mái thể hiện quan điểm của mình đối với công việc và cuộc sống.
Bạn sẽ rất rõ ràng, thông suốt trong suy nghĩ của mình, hiểu rõ mục đích, động cơ, giá trị của mình.
Bạn không có gì phải bận tâm, che giấu con người thật của mình. Coi trọng sự bình an chắc chắn bên trong hơn là dáng vẻ bên ngoài (tobe rather than seem)
Bạn được thực sự tự do làm điều mình cho là đúng đắn, và không hối tiếc.
Đó chẳng phải là một sự giải phóng to lớn những tiềm năng vốn có và mang lại cho bạn sự tự chủ tuyệt vời hay sao?
Trong cuốn Tầm Vóc Đích Thực, Stenphen R.Covey cũng dành hẳn một chương quan trọng để nói về điều này: Sự chính trực và Nhất Quán. Chính trực và nhất quán hoàn toàn từ cách nghĩ, lời nói, hành động chính là đòn bẩy đầu tiên trong đưa bạn vươn tới một tầm vóc đích thực.