Sự bừng nở của hiện tại.
Khám phá cách mà chánh niệm mang lại sự tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và có thể trở thành chìa khóa vàng cho sự bình an và hạnh phúc trong nhịp sống hiện đại đầy thách thức.
Bài viết này nói về một phương pháp thực hành chú tâm đơn giản nhưng mạnh mẽ: Chánh Niệm (Mindfulness)
Hãy cùng khám phá cách mà sự tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, một di sản từ truyền thống Phật giáo, lại có thể trở thành chìa khóa vàng cho sự bình an và hạnh phúc trong nhịp sống hiện đại đầy thách thức.
Chánh niệm (mindfulness) là gì?
Chánh niệm là một thực hành truyền thống của đạo Phật, nhưng lại rất phù hợp với cuộc sống hiện đại của chúng ta.
Sự phù hợp này không liên quan gì đến Phật giáo hay với việc trở thành Phật tử mà chỉ liên quan đến việc thức tỉnh và sống hòa hợp với chính mình và với thế giới.
Chánh niệm là kiểm tra xem mình thực sự là ai, đặt câu hỏi về cách mà ta nhìn thế giới và vị trí của mình trong thế giới, chánh niệm là trân trọng tính trọn vẹn của từng khoảnh khắc mà ta đang sống.
Trên hết, chánh niệm chính là sống trong hiện tại.
Từ góc nhìn của đạo Phật, trạng thái thông thường của ý thức được xem là không hoàn toàn tỉnh táo và gây ra nhiều hạn chế, nó có nhiều nét tương đồng với một giấc mơ kéo dài hơn là trạng thái tỉnh thức thật sự.
Chánh niệm giúp ta tỉnh dậy khỏi giấc ngủ vô thức và vô tâm đó để ta có thể sống đời mình với đầy đủ tiềm năng của cả ý thức lẫn tiềm thức.
Trong hàng ngàn năm qua, các bậc hiền nhân, bậc thầy yoga và các thiền sư đã khám phá vùng đất này một cách có hệ thống; trong hành trình đó, họ đã học hỏi được một điều vô cùng hữu ích mà các nước phương Tây có thể áp dụng để cân bằng lại khuynh hướng kiểm soát, chinh phục tự nhiên và trân trọng một sự thật rằng con người chỉ là một phần của tự nhiên.
Kinh nghiệm của họ cho thấy, bằng cách nhìn vào bên trong để khám phá bản chất của chúng ta như là một sinh vật, đặc biệt là bản chất của tâm trí, thông qua việc tự quan sát một cách cẩn thận và có hệ thống, ta có thể sống đời mình một cách hài lòng, hòa hợp, và trí tuệ hơn.
Chánh niệm có nghĩa là chú ý vào giây phút hiện tại và không phán xét.
Về bản chất, chánh niệm là một khái niệm đơn giản. Sức mạnh của chánh niệm nằm ở sự thực hành và ứng dụng. Chánh niệm có nghĩa là chú ý vào giây phút hiện tại và không phán xét. Sự chú ý này mang đến nhận thức, sự sáng tỏ và sự chấp nhận hoàn cảnh đang diễn ra trong hiện tại.
Sự chú ý này thức tỉnh ta về sự thật rằng đời ta trôi qua theo từng khoảnh khắc.
Nếu ta không hoàn toàn có mặt trong mỗi khoảnh khắc ấy, ta không chỉ bỏ lỡ điều quí giá nhất trong cuộc đời mà còn không nhận ra toàn bộ tiềm năng để phát triển và chuyển hóa.
Chánh niệm là con đường đơn giản nhưng hiệu quả giúp chúng ta thoát khỏi bế tắc, mang chúng ta trở về với trí tuệ và sự sống động vốn có của mình. Đó là một cách để giúp chúng ta chủ động chịu trách nhiệm đối với định hướng và chất lượng của cuộc sống, bao gồm các mối quan hệ trong gia đình và công việc, mối quan hệ với thế giới và với hành tinh rộng lớn hơn, và quan trọng nhất là mối quan hệ với bản thân.
Chìa khóa cho hành trình này là trân trọng giây phút hiện tại, nuôi dưỡng mối quan hệ mật thiết với hiện tại thông qua việc duy trì sự chú ý liên tục, với sự tận tâm và sự minh định.
Trân trọng hiện tại vừa là cốt lõi của đạo Phật, đạo Lão, yoga [ở phương Đông] vừa là chủ đề chính trong các tác phẩm của Emerson, Thoreau, Whitman ở phương Tây, và kho tàng trí tuệ của thổ dân châu Mỹ.
Thói quen phớt lờ giây phút hiện tại để theo đuổi những khoảnh khắc của quá khứ và tương lai khiến ta không nhận thức đầy đủ về thế giới mình đang sống.
Chánh niệm thì hầu như không liên quan gì tới tôn giáo
Từ xưa đến nay, tôn giáo vẫn là thế giới tâm linh dành cho những trăn trở như vậy, nhưng chánh niệm thì hầu như không liên quan gì tới tôn giáo, trừ ý nghĩa cơ bản nhất của chánh niệm là trân trọng sự bí ẩn của sự sống và mối liên hệ sống động giữa vạn vật.
Khi chúng ta chú tâm một cách cởi mở, tức là không bị sa vào bẫy của sự ưa thích và ghét bỏ, của quan điểm và thành kiến, của sự phóng chiếu chủ quan và kỳ vọng, thì những khả năng mới sẽ mở ra và ta có cơ hội giải thoát khỏi tấm áo khoác chật hẹp của vô thức.
Hãy nghĩ tới chánh niệm đơn giản như một nghệ thuật sống trong trạng thái tỉnh táo. Bạn không cần phải trở thành một
Phật tử hay một Yogi thì mới thực hành được. Hãy là chính mình và đừng cố gắng trở thành người khác.
Chánh niệm mang tính khai sáng và giải phóng.
Khai sáng là vì nó cho phép bạn nhìn nhận rõ ràng hơn, nhờ đó có hiểu biết sâu sắc hơn về những lĩnh vực của cuộc sống mà bình thường chúng ta không (sẵn lòng) tiếp xúc. Có thể bạn còn phải đối diện với những cảm xúc sâu kín - buồn bã, đau khổ, tổn thương, giận dữ, và sợ hãi - những cảm xúc mà chúng ta thường phủ nhận và tránh biểu lộ ra ngoài.
Chánh niệm cũng giúp chúng ta trân trọng những cảm xúc như vui vẻ, bình an và hạnh phúc vốn thường chỉ thoáng qua và không được ghi nhận.
Giải phóng là vì chánh niệm chỉ ra cho bạn một cách sống mới, hài hòa với bản thân và thế giới, giúp bạn thoát khỏi những vũng lầy mà chúng ta thường bị sa vào.
Chánh niệm cũng mang lại sức mạnh, vì sự chú tâm sẽ khai mở nguồn tài nguyên sáng tạo, thông minh, sáng tỏ, quyết tâm và trí tuệ vô cùng phong phú bên trong chúng ta.
(Lược trích từ tác phẩm “Bây giờ và ở đây” - tác giả Jon Kabat-Zinn)