Servant Leadership - Trở thành một nhà lãnh đạo phục vụ
Phong cách lãnh đạo này xuất phát từ cảm xúc tự nhiên, mong muốn ưu tiên hàng đầu là được phục vụ mọi người.
Nguồn Leader as Coach
Triết lý "nhà lãnh đạo đầy tớ", hay “nhà lãnh đạo phục vụ” (servant leadership) xuất hiện từ năm 1970 do Robert Greenleaf - cựu Giám đốc phụ trách nghiên cứu quản lý tại AT&T đưa ra. Trong cuốn The Servant as Leader, ông viết: "Phong cách lãnh đạo này xuất phát từ cảm xúc tự nhiên, mong muốn ưu tiên hàng đầu là được phục vụ mọi người”.
Với phong cách “lãnh đạo phục vụ", nhân viên thường cảm thấy tiếng nói của họ được lắng nghe và tôn trọng. Điều này khiến họ có khả năng làm việc hết khả năng của mình cao gấp 4,6 lần. (Theo tạp chí Forbes).
Phong cách “lãnh đạo phục vụ" là gì?
Lãnh đạo phục vụ là người lãnh đạo mà vai trò đầu tiên là phục vụ những người xung quanh. Lãnh đạo phục vụ không chỉ tiếp cận toàn diện với công việc, thúc đẩy nhận thức của nhân viên, chia sẻ quyền lực mà còn đặt nhu cầu và quyền lợi của nhân viên lên hàng đầu, đồng thời giúp mọi người phát triển tốt nhất có thể trong điều kiện cho phép.
Phong cách lãnh đạo phục vụ giúp người lãnh đạo tập trung chính vào việc cung cấp những gì mà thành viên cần, loại bỏ trở ngại, và đặc biệt là hỗ trợ các thành viên để họ có thể phát huy hết hiệu suất công việc.
Một người lãnh đạo phục vụ sẽ tập trung vào những khía cạnh sau:
Đặt ra tầm nhìn chiến lược cho công ty và giúp các thành viên nhìn rõ tầm nhìn đó;
Khuyến khích tinh thần làm chủ (ownership) và mở rộng sự tin tưởng cho đội nhóm;
Đảm bảo rằng nhân viên của mình có đủ nguồn lực: ngân sách, kỹ năng và sự tập trung cần thiết để tạo ra kết quả họ mong muốn. Nếu chưa đủ nguồn lực, người lãnh đạo sẽ làm hết sức để cung cấp những nguồn lực cần thiết đó;
Cung cấp môi trường mà mỗi thành viên đều có thể phát triển mạnh mẽ (thay vì chỉ định các cách làm cụ thể cho từng nhiệm vụ);
Trao quyền từ dưới lên, giúp nhân viên xây dựng sự tự tin, khả năng ra quyết định và nâng cao sự cộng tác của các thành viên trong đội nhóm.
Một người lãnh đạo đầy tớ sẽ khác biệt như thế nào?
Một người lãnh đạo đầy tớ thực sự sẽ có mong muốn phục vụ nhân viên. Cùng lúc, họ cũng là người ra quyết định hiệu quả, rõ ràng khi đặt ra các kỳ vọng và luôn có thiện chí hỗ trợ nhân viên trong khả năng của mình. Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể của một người lãnh đạo đầy tớ:
1. Là một ví dụ, một tấm gương về sự khiêm tốn, trung thực, tin cậy
Sự khiêm tốn là nền tảng cho phong cách lãnh đạo đầy tớ. Nếu như bạn giao tiếp dựa trên quyền lực, dựa trên tâm lý rằng bạn biết nhiều hơn nhân viên của mình, nhân viên sẽ làm theo những vì bạn nói vì nỗi sợ, vì sự thiếu tự tin. Thay vào đó, hãy hành động dựa trên sự thành thực với chính mình, và đặt niềm tin vào đội ngũ nhân sự.
2. Chỉ ra lý do tại sao công việc đó là cần thiết, thay vì hướng dẫn cách làm
Người lãnh đạo đầy tớ sẽ giúp cho từng thành viên trong đội nhóm hiểu được vai trò của họ trong bộ máy chung. Người lãnh đạo sẽ có cách giao tiếp, coaching, đặt câu hỏi để nhân viên cảm nhận được ý nghĩa, mục tiêu và giá trị công việc họ làm. Khi hiểu rõ điều này, họ sẽ có khả năng gắn kết cao với công việc và tổ chức.
Nói ít hơn về những con số, và nói nhiều hơn về những con người đang từng bước tiến đến mục tiêu của tổ chức. Luôn liên kết những thành tựu cụ thể nhân viên đạt được với bức tranh lớn mà tổ chức đang hướng tới. Điều này thúc đẩy một kết nối sâu sắc với sứ mệnh của công ty.
3, Khuyến khích sự hợp tác trong tổ chức
Là một lãnh đạo đầy tớ, bạn sẽ là người tạo ra ý thức về cộng đồng và tinh thần đồng đội trong tổ chức.
Phong cách lãnh đạo đầy tớ nhấn mạnh vào tính kết nối và sự cộng tác cân bằng của tất cả các thành viên. Người lãnh đạo đầy tớ sẽ khuyến khích đội nhóm phối hợp linh hoạt với nhau, và thường “lôi kéo” các thành viên vào quá trình ra quyết định.
4, Hỗ trợ sự phát triển của từng thành viên và từng đội nhóm.
Xác định và dự đoán nhu cầu của nhân viên là một khía cạnh chính trong vai trò của một lãnh đạo phục vụ.
Ví dụ, khi giao một dự án cho từng thành viên trong nhóm, hãy đảm bảo rằng bạn cung cấp các nguồn lực cần có để nhân viên của bạn thực hiện được công việc. Với tư duy phục vụ, hỗ trợ người khác, người lãnh đạo đầy tớ sẽ thực sự trao quyền để giúp nhân viên hoàn thành nhiệm vụ của mình.
5, Quan tâm, đồng cảm, trắc ẩn
Người lãnh đạo đầy tớ sẽ xây dựng một môi trường làm việc tin cậy và thân thiện. Trong môi trường này, nhân viên cảm thấy thoải mái, không bị đe doạ, họ thoải mái chia sẻ quan điểm và đặt câu hỏi.
Để làm được điều này, người lãnh đạo cần phát triển khả năng đồng cảm và trắc ẩn. Ví dụ, khi nhân viên của bạn đến gặp bạn để phàn nàn về một đồng nghiệp, bạn sẽ không gạt bỏ điều đó vì bạn đang bận. Bạn dành thời gian để giúp họ giải quyết những khúc mắc trong lòng.
6, Văn hoá phản hồi - phát triển kỹ năng lắng nghe
Người lãnh đạo đầy tớ sẽ tiếp tục phản hồi, chứ không chỉ đưa ra phản hồi. Họ xây dựng một văn hoá phản hồi hai chiều trong tổ chức để tất cả có thể cởi mở và cùng nhau phát triển.
Dù được đề cập nhiều hơn trong thời gian gần đây, phong cách lãnh đạo này cũng có nhiều tranh luận về ưu và nhược điểm của nó. Về mặt tích cực, phong cách lãnh đạo đầy tớ khuyến khích tinh thần làm chủ và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên, xây dựng văn hoá tập trung vào con người, có thể tạo nên những tác động tích cực đến hiệu suất công việc,… Tuy nhiên, nhiều người cũng tranh luận rằng, phong cách lãnh đạo này tốn nhiều thời gian để thấy được kết quả, quá trình đưa ra quyết định thường lâu hơn, có thể không phù hợp với tất cả tổ chức…
Không có điều gì là hoàn hảo. Bạn cũng không nhất thiết phải trở thành một nhà lãnh đạo đầy tớ ngay ngày mai. Hãy bắt đầu bằng việc chọn lọc những điều thú vị ở phong cách này và đưa vào trải nghiệm thực tế. Từ đó, bạn có thể quan sát những hiệu quả thực tế và có sự điều chỉnh linh hoạt.