Mindfulness dành cho tất cả chúng ta
Mindfulness - sự tỉnh thức sẽ là một kỹ năng “must-have” cần có của người đi làm trong thời đại mới này.
Khi bước vào một kỳ nghỉ, một trong những việc mất thời gian nhất của mình là chọn sách mang theo đọc. Lần này mình chọn cuốn “The Mindful Leader” của tác giả Michael Bunting , một trong những quyển sách rất hay về chủ đề mindfulness. Đọc xong, mình nghĩ có lẽ Mindfulness - sự tỉnh thức sẽ là một kỹ năng “must-have” cần có của người đi làm trong thời đại mới này.
Mindfulness là gì?
Về Mindfulness, có lẽ định nghĩa hay nhất mình từng nghe qua là của thiền sư Thích Nhất Hạnh: Giữ cho tâm trí sống với thực tại.
Giải thích rộng ra, đó là khi chúng ta “trải nghiệm và chấp nhận thời điểm hiện tại như chính sự thật của nó - không phải là cách chúng ta muốn nó như thế, hay muốn nó nên như thế; mà phải đúng với bản chất thật sự của nó”. (1)
Hay nói đơn giản hơn, là “chấp nhận mọi việc xảy ra với đúng bản chất của nó, và đáp lại với sự tử tế, hiểu biết”. (2)
Ly cafe không ngon hơn khi chúng ta vui, hay đắng hơn khi chúng ta buồn.
Người đối diện không dễ thương hơn khi chúng ta đang vui, hay đáng ghét hơn khi chúng ta có sẵn thành kiến với họ.
Đó là khi cơ thể đang thả lỏng chứ không gồng mình. Đó là khi tâm hồn thông suốt và bình tĩnh, không cuống cuồng trong những suy nghĩ, ân hận, lo lắng. Đó là khi cảm xúc cởi mở và can đảm.
Thông điệp của mindfulness rất đơn giản với tất cả mọi người: Hãy ở đây lúc này. Chúng ta tìm thấy sức mạnh và sự bình anh thông qua một triết lý đơn giản: “Câu trả lời cho mọi vấn đề đang nằm ở chúng ta, vào lúc này đây.” (3)
Một trong những hiểu lầm cơ bản về mindfulness, thậm chí có cả mình trong đó là một số người nghĩ mindfulness giúp chúng ta “an trú” trong niềm vui, quên đi nỗi buồn, âu lo. Nhưng thực ra vấn đề không phải là quên đi, mà là trải nghiệm, chung sống, chấp nhận và vượt qua nỗi buồn.
Tỉnh thức không hề xa xỉ, khó tìm kiếm, nó là một lựa chọn chủ động và khởi phát từ tâm trí.
Lợi ích tuyệt vời của Mindfulness
Bằng cách để tâm đến những gì diễn ra xung quanh, thay vì đặt mình vào “chế độ tự hành” - phản xạ tự nhiên, chúng ta có thể giải phóng khả năng sáng tạo, giảm bớt căng thẳng, và đạt hiệu quả cao hơn.
Tỉnh thức là quá trình chủ động chú ý đến thời điểm hiện tại, đến những thứ diễn ra xung quanh mình. Khi ấy bạn nhạy cảm hơn với bối cảnh, và quan điểm, bạn sáng suốt hơn. Đó là điều cốt yếu của sự gắn kết.
Nhiều lầm tưởng rằng, quá chú tâm sẽ khiến bạn tiêu hao năng lượng nhanh; nhưng sự thật không phải như vậy; tỉnh thức làm bạn tập trung vào những điều quan trọng, không bị xao lãng bởi hàng ngàn yếu tố ngoại cảnh gây phân tâm khác, việc đó bảo vệ - sản sinh năng lượng, chứ không phải tiêu hao. (4)
Tỉnh thức còn nhiều lợi ích khác. Nó giúp bạn chú ý hơn, nhớ được nhiều việc mình đã làm hơn, sáng tạo hơn. Từ đó bạn nhạy bén để tận dụng các cơ hội khi nó đến và tránh được những nguy cơ khi nó chưa phát sinh.
Trong giao tiếp, mọi người thích những người trò chuyện một cách lưu tâm. Vì vậy việc chú tâm cũng giúp củng cố chất lượng của những mối quan hệ. Bạn chú ý, yêu mến mọi người hơn; và mọi người cũng yêu mến bạn hơn vì họ cảm nhận được sự quan tâm bạn dành cho họ.
Tỉnh thức, chú tâm làm sự chần chừ và hối tiếc trong bạn biến mất, bởi vì bạn biết rõ lý do tại sao bạn hiện diện vào lúc này, làm việc này. Bạn bắt tay vào làm ngay và không hối tiếc vì đã không làm những việc khác.
Tỉnh thức cũng giúp chúng ta bớt có xu hướng phân loại và phán xét người khác một cách thiếu suy xét. Thay vì thoạt nhìn một người và vội vã nhận định: anh này cứng nhắc, cô kia yếu đuối, bạn này bốc đồng… thì bạn sẽ dành thời gian để lắng nghe họ một cách lưu tâm, lắng nghe để hiểu bối cảnh, cảm xúc và mong muốn của họ.
Việc này giúp bạn hiểu rõ con người hơn, từ đó có xu hướng bao dung, bớt phán xét và chỉ trích người khác. (5)
Tỉnh thức giúp bạn có cơ hội để tìm ra nhiều góc nhìn mới. Giống như câu chuyện ngụ ngôn về hai người đến gặp một vị thẩm phán. Mỗi người kể một câu chuyện từ góc độ của mình, người thẩm phán đều nói: “Đúng rồi!”. Hai người thắc mắc: “Làm sao cả hai chúng tôi đều đúng được”. Người thẩm phán lại đáp: “Đúng rồi!”
Chúng ta luôn quan niệm rằng trong tranh chấp, chỉ có bên này đúng, bên kia sai hoặc ngược lại. Nhưng thực tế là gần như luôn luôn có thể tìm ra cách thứ ba, để các bên cùng có lợi. Và để tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi, tỉnh thức, lắng nghe và tôn trọng là điều cần thiết. (6)
Trong thời đại khủng hoảng thông tin như hiện nay, lượng thông tin mà bạn có được không quan trọng bằng việc nó được tiếp nhận ra sao, sử dụng nó hiệu quả như thế nào. Và việc tiếp nhận đó cần phải được thực hiện một cách tỉnh thức.
Tính khoa học của Mindfulness
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy việc thực hành tỉnh thức làm thay đổi não bộ.
Đầu tiên là vùng vòng cung vỏ não trước (ACC), một cấu trúc nằm sâu bên trong trán, phía sau thuỳ trán. ACC gắn với khả năng tự điều chỉnh, nghĩa là khả năng hướng sự chú ý và hành vi có chủ đích, ngăn cản các phản ứng cảm tính.
Những người tập thiền cho thấy rõ các kết quả vượt trội trong các bài kiểm tra về khả năng tự điều chỉnh, chống lại sự phân tâm và đưa ra các câu trả lời chính xác hơn người không tập thiền. Vùng ACC của họ cũng hoạt động nhiều hơn so với những người không thiền định. (7)
Vùng thứ hai, là hồi hải mã, vùng hình cá ngựa này nằm sâu ở trong mỗi bên thái dương,. tập hợp các cấu trúc liên quan đến cảm xúc và trí nhớ. Rèn luyện tỉnh thức giúp hồi hải mã hoạt động hiệu quả hơn, tăng khả năng phục hồi cảm xúc và trí nhớ.
Thực hành tỉnh thức còn tác động tích cực đến các vùng não liên quan đến tri giác, nhận thức cơ thể, khả năng chịu đau, điều chỉnh cảm xúc, nội quan, suy nghĩ phức tạp và nhận thức về bản thân. (8)
Tỉnh thức qua đó giúp chúng ta giữ cho bộ não khỏe mạnh, hỗ trợ khả năng tự điều chỉnh và ra quyết định hiệu quả, bảo vệ bản thân khỏi những căng thẳng tiêu cực.
Như câu nói của tiến sĩ Ellen Langer, giáo sư tâm lý học của Đại học Harvard về tỉnh thức: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào một điều nghe có vẻ cổ lỗ: Cuộc sống chỉ toàn là những khoảnh khắc. Vì vậy nếu bạn biến khoảnh khắc trở nên quan trọng, tất cả sẽ đều quan trọng. Bạn có thể lưu tâm, có thể lơ là. Bạn có thể thắng, có thể thua. Tệ nhất là khi bạn lơ là và thất bại. Vì vậy khi làm bất kỳ điều gì, hãy lưu tâm, chú ý đến mọi thứ, khiến chúng trở nên có ý nghĩa với bạn.”
Việc rèn luyện và luôn tự đặt ra những câu hỏi khuyến khích sự tỉnh thức, bạn sẽ đưa mọi người và chính bản thân mình vào hiện tại, và mang lại nhiều ý nghĩa, năng suất hơn.
(1) (2)(3) - Trích từ cuốn sách “The Mindful Leader” (Lãnh Đạo Tỉnh Thức) - của tác giả Michael Bunting.
(4) (5) (6) Bài viết “Tỉnh thức trong thời đại phức tạp", bài phỏng vấn Ellen Langer do Alison Beard thực hiện - Series “Emotional Intelligence” / Harvard Business Review
(7) (8) Bài viết “Tỉnh thức có thể biến đổi não bộ (theo nghĩa đen)” Christina Congleton, Britta K.Holzel và Sara W.Lazar - Series “Emotional Intelligence” / Harvard Business Review
Thanks anh, bài viết có thêm góc nhìn tùe khoa học nên nghe về Tỉnh Thức không bị sáo rỗng😆