"Di sản" của người quản lý chính là đội ngũ
Có một sự thật mà nhiều người thường bỏ qua khi mới bước vào vị trí lãnh đạo: Di sản lớn nhất của họ không phải là những thành tích cá nhân, mà chính là đội ngũ họ xây dựng nên.
1/ Định nghĩa lại kết quả
Người quản lý hoàn thành mục tiêu cùng với và thông qua người khác.
Khi bạn trở thành quản lý, điều đầu tiên cần thay đổi chính là cách định nghĩa về "kết quả". Nếu trước đây, với vai trò nhân viên, bạn chỉ tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì giờ đây, bạn cần nhìn xa hơn, rộng hơn.
Tôi thường ví von với các học viên của mình rằng: Chuyển từ nhân viên lên quản lý giống như chuyển từ vai trò cầu thủ sang huấn luyện viên vậy. Bạn không còn đá bóng một mình nữa, mà phải biết cách dẫn dắt cả đội thi đấu hiệu quả.
Một khi đã trở thành quản lý, định nghĩa của bạn về "kết quả" cần thay đổi. Bạn cần nhìn nhận khác đi.
Khi là một cá nhân, "kết quả" chính là công việc bạn thực hiện.
Nhưng giờ bạn đã làm quản lý, bạn sở hữu trong tay kết quả của mọi thành viên trong nhóm. Ưu tiên hàng đầu của bạn bây giờ không còn là tự mình đạt mục tiêu nữa, mà làm hoàn thành mục tiêu cùng với và thông qua người khác.
Bạn vẫn chịu trách nhiệm cho các công việc thuộc về cá nhân bạn, nhưng cần đảm bảo nhân viên cũng hoàn thành nhiệm vụ của họ, đồng thời họ có thể phát triển, học hỏi, và thậm chí trở thành lãnh đạo trong tương lai.
Nói cách khác, "kết quả” của bạn bây giờ chính là đội ngũ.
Clayton Christensen, vị giáo sư lôi lạc của Trường Kinh doanh Harvard, tin rằng quản lý là một trong những vai trò có ý nghĩa nhất trên thế giới. Trong tác phẩm Thước đo nào cho cuộc đời bạn (How Will You Measure Your Life), ông viết: "Nếu bạn muốn giúp đỡ người khác, hãy trở thành nhà quản lý.
Nếu làm tốt vai trò này, quản lý sẽ là một trong những nghề cao quý nhất. Bạn đang ở một vị trí mà mỗi ngày "sở hữu" đến tám hay mười tiếng đồng hồ của những người làm việc cho bạn. Bạn nắm giữ cơ hội thiết lập công việc của nhân viên mình, sao cho cuối mỗi ngày khi trở về nhà, họ đều cảm thấy mình đang sống một cuộc đời tràn đầy sinh khí."
2/ Di sản của người quản lý chính là đội ngũ
Bạn dễ dàng bắt gặp hai kiểu quản lý trong môi trường công việc:
Kiểu thứ nhất: Tập trung vào chỉ tiêu ngắn hạn, áp đặt cách làm của mình lên nhân viên, và thường xuyên can thiệp vào công việc của họ.
Kiểu thứ hai: Đầu tư thời gian phát triển đội ngũ, tạo môi trường để nhân viên phát huy năng lực, và sẵn sàng chấp nhận những sai lầm trong quá trình học hỏi của họ.
Và không ngạc nhiên khi những quản lý thuộc nhóm thứ hai thường để lại những dấu ấn sâu sắc hơn trong sự nghiệp của mình.
Tôi từng tư vấn cho một giám đốc trẻ của một công ty công nghệ. Thay vì tự mình xử lý mọi vấn đề kỹ thuật phức tạp (dù anh ấy hoàn toàn có thể), anh chọn cách giao các dự án thử thách cho những nhân viên còn thiếu kinh nghiệm. Kết quả là sau hai năm, đội ngũ của anh không chỉ trưởng thành vượt bậc mà còn phát triển những giải pháp sáng tạo mà ban đầu anh chưa từng nghĩ tới.
Qua những quan sát và nghiên cứu của mình, tôi đúc kết ra một số nguyên tắc quan trọng cho các nhà quản lý:
Đầu tư thời gian vào việc lắng nghe và coaching nhân viên
Tạo môi trường an toàn để họ dám thử nghiệm và học hỏi từ sai lầm
Trao quyền và tin tưởng vào khả năng ra quyết định của họ
Đặt sự phát triển của đội ngũ ngang hàng với các mục tiêu kinh doanh
Làm quản lý, đôi khi bắt từ học lại cách dùng "lời ăn tiếng nói"
Nghệ thuật quản lý, lãnh đạo không chỉ nằm ở những chiến lược lớn mà còn ở những tương tác nhỏ hàng ngày, như lời ăn tiếng nói. Ví dụ, nếu bạn đang là một người quản lý, mời bạn hãy thử tham chiếu lại 10 câu nói phổ biến mà các nhà lãnh đạo giỏi thường sử dụng để xây dựng đội nhóm gắn kết và vững mạnh sau đây.
Những câu nói này thể hiện văn hóa lãnh đạo tích cực, tập trung vào việc trao quyền, tin tưởng và phát triển đội nhóm. Đây là cách tiếp cận hiệu quả để xây dựng môi trường làm việc tích cực và đội ngũ gắn kết.
"Tôi tin tưởng vào bạn" - giúp thành viên cảm thấy tự tin và được tin cậy.
"Cảm ơn bạn" - thể hiện sự trân trọng với nỗ lực của họ.
"Bạn làm được mà" - khuyến khích họ vượt qua thử thách.
"Bạn cần gì để thành công?" - thể hiện mong muốn hỗ trợ.
"Bạn đang thực sự cảm thấy thế nào?" - quan tâm đến con người, không chỉ công việc.
"Hãy chia sẻ thêm về ý tưởng của bạn" - khuyến khích sự sáng tạo.
"Tôi có thể hỗ trợ sự phát triển của bạn như thế nào?" - thể hiện quan tâm đến sự phát triển nghề nghiệp.
"Tôi tin tưởng vào phán đoán của bạn" - thể hiện sự tin tưởng.
"Bạn nghĩ chúng ta nên làm gì?" - lắng nghe ý kiến và có sự tham gia.
"Hãy cùng ăn mừng" - ghi nhận đóng góp và chia sẻ niềm vui.
10 câu nói trên, nếu được sử dụng chân thành và đúng thời điểm, sẽ góp phần xây dựng một văn hóa công ty tích cực, nơi mọi người đều cảm thấy được tôn trọng, tin tưởng và có động lực phát triển. Hãy nhớ rằng, một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ dẫn dắt bằng tầm nhìn mà còn bằng những lời nói và hành động thể hiện sự quan tâm chân thành đến đội ngũ của mình.
Tạm kết.
Một vị CEO kỳ cựu từng chia sẻ trong cuốn Get Better của Todd Davis. : "Nhiều năm sau này, chẳng ai nhớ bạn đã đạt được những con số nào. Họ chỉ nhớ bạn đã giúp họ trở nên tốt hơn như thế nào."
"Mặc dù việc cậu nhìn chỉn chu và đạt được các mục tiêu doanh thu là rất quan trọng, tuy nhiên nhiều năm về sau sẽ không có ai nhớ nếu cậu chỉ thực hiện những con số chính xác của mình", ông nói.
"Di sản cậu để lại cho nhân viên của mình là: cậu đã giúp họ phát triển như thế nào và cậu đã cho phép họ mắc sai lầm trong quá trình họ phát triển như thế nào, đó là những gì có ý nghĩa và những gì họ sẽ ghi nhớ. Mặc dù điều quan trọng là đạt được mục tiêu của cậu, tuy nhiên nếu cậu bỏ quên mọi người trên đường đi, chả có điều gì cậu đạt được có ý nghĩa lâu dài".
Vì vậy, nếu bạn đang là một nhà quản lý hoặc đang chuẩn bị bước vào vai trò này, hãy nhớ rằng: Thành công thực sự của bạn không nằm ở những thành tích ngắn hạn, mà ở việc bạn đã xây dựng được một đội ngũ như thế nào - những con người không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có khả năng dẫn dắt thế hệ tiếp theo.
#management #manager