Compassionate Communication: Giao tiếp với ngôn ngữ của lòng trắc ẩn
Bạn có thể không ngờ rằng cách mình giao tiếp, nói chuyện hàng ngày với nhau có thể tạo ra "bạo lực”.
Gandhi từng nói “In a gentle way, you can shake the world.”, tạm dịch là “Bằng một cách tử tế, bạn có thể lay động cả thế giới”.
Gần đây, mình lấy câu này làm status trên ứng dụng chat để tự nhắc nhở bản thân rằng: “Cần phải lưu tâm và sẽ luôn có cách để bày tỏ quan điểm, nói ra yêu cầu, nói những điều khó nói… một cách tử tế và không làm tổn thương người khác.
Bởi lẽ, bạn có thể không ngờ rằng cách mình giao tiếp, nói chuyện hàng ngày với nhau có thể tạo ra "bạo lực”. Nói cụ thể hơn, chính ngôn từ mà chúng ta sử dụng hàng ngày có thể gây ra nhiều tổn thương cho người khác và cả chính mình.
Nếu "bạo lực" được hiểu theo nghĩa là sử dụng ngôn từ, thái độ cư xử có thể gây ra tổn thương, thì đa phần cách chúng ta giao tiếp trong cuộc sống thường nhật như thành kiến, đồ lỗi, dán nhãn, phán xét, chỉ nói mà không lắng nghe, chỉ trích bản thân hoặc người khác, phản ứng thái quá khi tức giận, trở nên phòng thủ hoặc đánh giá ai là "tốt / xấu", "đúng / sai" - đều là mang tính bạo lực.
Và cách giao tiếp thường nhật kiểu đó, có thể được ví là "giao tiếp bạo lực” hay “giao tiếp thiếu đi lòng trắc ẩn”
Dưới đây là một vài ví dụ:
Đã bao giờ nhận ra là bạn thường giao tiếp theo kiểu phán xét thay vì quan sát. Ví dụ, bạn thấy một bạn nhân viên của mình đi trễ. Bạn sẽ có 2 cách để giao tiếp.
Cách 1, đưa ra nhận định Quan sát: Hôm nay em trễ 30 phút nhé.
Cách 2, đưa ra nhận định Phán xét, dán nhãn: Sao hôm nào em cũng đi trễ vậy. Bộ em không biết sắp xếp thời gian hả?
Với cách 1, bạn chỉ đưa ra nhận xét một hiện tượng khách quan là “hôm nay bạn ấy trễ 30 phút”. Còn cách 2, bạn phán xét bạn ấy “luôn đi trễ” và dán nhãn bạn ấy “không biết sắp xếp thời gian”. Liệu mối quan hệ giữa 2 người còn tốt đẹp khi bạn liên tục dùng cách số 2 để giao tiếp?
Điều đáng nói là cách giao tiếp số 2, theo kiểu “dán nhãn” này xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta:
Người chồng nói “Em lúc nào cũng chỉ biết đến công việc” (một câu nói dán nhãn). Thay vào đó, anh ấy có thể nói “Cuối tuần này em có thể dành tối thứ 6 ở nhà chơi với con và anh không) (một câu nói thể hiện mong muốn khách quan).
Sếp nói “Em không bao giờ làm đúng ý anh. Em quá chậm hiểu” (một câu nói dãn, phán xét). Thay vào đó, anh ta có thể nói “Báo cáo này đang chưa đúng kỳ vọng của anh ở một số phần sau. Em có cần anh giải thích lại để làm lại chính xác hơn không?” (một câu nhận định khách quan, kèm theo đề nghị hỗ trợ)
Người vợ nói: “Em có cảm giác nói chuyện với anh như nói chuyện với một bức tường”. Thực tế là, cô ấy đang cảm thấy cô đơn và muốn có nhiều sự kết nối về mặt cảm xúc hơn với chồng mình? Nhưng bản chất câu nói "Em cảm thấy như thể mình đã cưới một bức tường" không giúp cho chồng cô thấu hiểu được những cảm xúc và nhu cầu của cô.
Nói một cách ngắn gọn, chúng ta cần một kiểu giao tiếp mới - hiệu quả và giàu lòng trắc ẩn hơn. Mô hình giao tiếp này còn được gọi là Giao tiếp bằng lòng trắc ẩn (Compassionate Communication)
Ngày trước, trong bản Hương Xưa của mình, ông Cung Tiến có viết một câu mà mình rất thích và nhớ hoài: Hãy nói mình yêu nhau, bằng tiếng loài người. Giờ ngẫm lại “tiếng loài người” trong bối cảnh câu nói này, có lẽ chính là tiếng nói của lòng trắc ẩn.
Tiếng nói của lòng trắc ẩn chính là tiếng nói mà chúng ta nên dùng để giao tiếp với nhau hàng ngày