Cách để vượt qua những cảm xúc "khó"
Tạm gọi những suy nghĩ tiêu cực, hay sợ hãi là những cảm xúc khó. Vậy thì đâu là cách đúng đắn để chúng ta đối diện và vượt qua những cảm xúc khó?
Ai trong chúng ta cũng có những suy nghĩ sợ hãi, tiêu cực trong đầu: “Mình không làm được đâu, lỡ thất bại thì sao, phía trước khó khăn lắm…”
Sự thật là bên trong bất kỳ một con người lành mạnh nào cũng có những luồng suy nghĩ ấy.
Tâm trí chúng ta chỉ đang cố gắng làm tròn công việc của chúng được tạo ra để làm: cố gắng lường trước và giải quyết vấn đề, tránh những cạm bẫy tiềm ẩn. Đó là một bản năng từ thời xa xưa của não bộ. (1)
Điều không bình thường ở đây là chúng ta thường có xu hướng dìm xuồng, trốn tránh những suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi trong đầu mình. Điều đó đi ngược lại với sinh học cơ bản.
Tạm gọi những suy nghĩ sợ hãi, tiêu cực kia là những cảm xúc khó. Vậy thì đâu là cách đúng đắn để chúng ta đối diện và vượt qua những cảm xúc khó?
Có nhiều “kỹ thuật” để khắc phục được một người truyền tay nhau: như tự đưa ra những lời khẳng định tích cực như “mình làm được mà, đừng sợ"; hay đắm mình trong những thứ khác để tạm thời quên đi nỗi sợ.
Nhưng vấn đề không nằm ở kỹ thuật, những giải pháp nọ có thể mang lại hiệu quả tạm thời, nhưng như một nhà tâm lý học nói: “Những cảm xúc khó không mất đi, rồi một ngày chúng sẽ đội mộ sống dậy, hệt như những con quái vật vậy, và lúc ấy chúng còn khủng khiếp hơn.”
Việc cố gắng giảm thiểu hoặc lờ đi cảm xúc của mình rốt cuộc lại thành khuyếch đại chúng.
Nhưng đừng lo lắng, mọi thứ đơn giản hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.
Chẳng cần các loại “kỹ thuật” để kìm nén trải nghiệm cảm xúc nội tại, thay vào đó hãy tiếp cận chúng một cách tử tế, và định hướng theo giá trị của bạn.
Cảm xúc khó hệt như một đống rác giữa nhà, muốn đi qua bên kia, việc bạn làm chỉ đơn giản là dọn dẹp đống rác. Và đây là 4 bước để “dọn rác” trong tâm trí:
Bước 1: Tự nhận thức.
Khi bị mắc kẹt trong một cảm xúc khó, nó choán hết tâm trí của bạn. Bạn cần phải lùi lại, tự nhận thức, lấy lại sự tự chủ của tâm trí. Ví dụ bạn đang rất giận dữ, hãy thử 2 kiểu tiếng nói bên trong này:
- Tôi đang giận
- Tôi nhận thấy mình đang giận, và tôi đang trải nghiệm cơn giận của mình.
Cách thứ 2 hoàn toàn khác hẳn phải không? Bằng việc chậm lại, quan sát của xúc, gắn nhãn cho nó; bạn chỉ đơn giản là đang trải nghiệm một cảm xúc mà thôi, nó không phải là bạn.
Hệt như khi bạn đưa bàn tay ra ánh nắng rát của buổi trưa hè, bạn trải nghiệm cơn nóng đó trên bàn tay; khi không muốn nữa bạn lui vào bóng mát, cơn nóng biến mất.
Bước 2: Chấp nhận, bao dung với bản thân.
Bạn cần hiểu rằng, cảm xúc không phải là thứ để chúng ta quản lý, mà là thứ để chúng ta chấp nhận. Ở bước 1, khi đã tự nhận thức ra cảm xúc tiêu cực của bạn thân, thì ở bước 2 việc chúng ta cần làm đơn giản là chấp nhận chúng.
Một số ví dụ:
- Mình đang trải qua một nỗi lo âu, mình chấp nhận điều đó.
- Mình đã có một bước đi sai, mình chấp nhận điều đó và cho phép bản thân mình có cơ hội sửa sai.
- Hôm nay mình đã thể hiện rất tệ và xấu hổ trước mọi người, mình chấp nhận điều đó và cho phép bản thân mình có cơ hội làm lại tốt hơn.
Khi chấp nhận cảm xúc khó, bạn đã sẵn sàng để đi đến bước 3.
Bước 3: Vượt lên trên cảm xúc khó dựa trên giá trị.
Khi vượt lên trên những cảm xúc khó, bạn sẽ rộng đường để lựa chọn cách hành động tiếp theo. Lúc này hãy hành động đúng đắn dựa trên những giá trị của bản thân bạn theo đuổi.
Từ trước đến nay bạn là người như thế nào, đâu là hình mẫu mà bạn mong muốn đạt đến?
Nếu là hình mẫu ấy, bạn sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?
Hành động dựa trên giá trị giúp bạn đưa ra những quyết định khiến bạn không hối tiếc về sau khi nghĩ lại.
Và cuối cùng, nếu mọi thứ quá phức tạp, có lẽ bạn chỉ cần nhớ một điều: “Hãy bao dung, tử tế và chấp nhận với những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Để chúng nhẹ nhàng đến và đi.”
(1) Bài viết “Sự nhanh nhạy của cảm xúc" - tác giả Susan David và Christina CONGLETON - Series “Emotional Intelligence” / Harvard Business Review