Bàn về bản chất của hạnh phúc
Có lẽ một trong những câu hỏi lâu đời nhất của con người chính là “Bản chất của hạnh phúc là gì?”
Để mô tả về hạnh phúc hãy tưởng tượng hạnh phúc như một cụm mây đẹp trong một buổi chiều hoàng hôn.
Bạn đang trên chuyến bay vào buổi chiều ấy. Nhìn đám mây từ xa thật rõ ràng, lộng lẫy, nhưng khi đến gần bạn chẳng còn thấy gì ngoài những làn khói mỏng.
Nhiều thế kỷ trước, định nghĩa hạnh phúc là vấn đề của các nhà thi sĩ, triết học; giờ đây các phương pháp khoa học, tâm lý học cũng vào cuộc để trả lời câu hỏi này.
Vậy bản chất của hạnh phúc là gì?
Phần lớn mọi người đều nghĩ, hạnh phúc đến khi chúng ta đạt được những thứ mình mong ước: Ví dụ như người đang yêu hạnh phúc hơn người cô đơn, người khoẻ mạnh hạnh phúc hơn người ốm yếu, người có đức tin hạnh phúc hơn người vô thần; và quan niệm phổ biến nhất người giàu có hạnh phúc hơn người nghèo khổ.
Quan điểm này đúng, nhưng không phải là tất cả, bởi lẽ có được những thứ bạn mong ước mang lại cảm giác thoải mái ngắn hạn, nhưng chưa chắc mang lại hạnh phúc dài lâu.
Xét trên góc độ khoa học về não bộ, khi chúng ta nhận được điều mình mong ước: được khen, được yêu, mua nhà, tậu xe… thì dopamine - chất dẫn truyền thần kinh giúp kiểm soát các trung tâm thưởng thức khoái cảm ở não sản sinh và cho chúng ta cảm giác khoan khoái.
Có thể nói sự khoan khoái, dễ chịu có bản chất hoá học thuần tuý. Khi chúng ta nhận được điều mình thích. Dopamine trong não sản sinh và cho chúng ta cảm giác khoan khoái.
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh giúp kiểm soát các trung tâm thưởng thức khoái cảm ở não. Nó kích thích chúng ta muốn hành động. Tuy nhiên dopamine có thể gây nghiện. Kết quả cuối cùng là một cuộc đua liên tục, đẩy chúng ta không ngừng phải tìm kiếm những liều dopamin tiếp theo: chức to hơn, tiền nhiều hơn, nhà to hơn…
Nhưng đó chỉ là khoái cảm, không phải hạnh phúc. Hãy hiểu khoái cảm là một trải nghiệm nhất thời, nó nhanh chóng mất đi khi các hoá chất thần kinh lắng xuống.
Vậy hạnh phúc thực sự trông như thế nào?
Trong tác phẩm, Bàn về hạnh phúc, có một góc nhìn mình rất trân trọng, đó là: hạnh phúc thực sự là kinh nghiệm lâu dài về một cuộc sống có ý nghĩa, có mục đích và đầy tích cực.
Nó là một trải nghiệm hiện sinh sâu sắc và quan trọng là nó được duy trì bất chấp thăng trầm trong cuộc sống, không phải là cảm giác hài lòng thoáng qua như sự khoan khoái.
Hạnh phúc thực sự là kinh nghiệm lâu dài về một cuộc sống có ý nghĩa, có mục đích và đầy tích cực.
Để tìm hiểu bản chất thực sự của hạnh phúc, chúng ta cần tìm hiểu về một từ, đó là “thuộc tính xã hội”. Con người là loài có thuộc tính xã hội nhất trên trái đất.
Có hàng ngàn các nghiên cứu khoa học, tâm lý học về “thuộc tính xã hội” của con người. Đúc kết lại, có thể kể đến 5 yếu tố - thuộc tính xã hội có liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của con người.
Ông Seligman, cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã tóm gọn chúng trong mô hình “PERMA”.
P (Positive Emotion): Cảm xúc tích cực. Những cảm xúc khởi sinh trong tâm trí tạo ra sự tích cực như sự bình yên, lòng biết ơn, vị tha, trắc ẩn, cảm hứng, hy vọng, tò mò, tình yêu.
E (Engagement): Sự gắn kết. Khi bạn có được được giác gắn bó, hòa hợp với một người, một tập thể, một công việc, dự án nào đó.
R (Relationships): Các mối quan hệ xã hội. Khi bạn có những mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh và ý nghĩa.
M (Meaning): Ý nghĩa. Mọi việc chúng ta làm đều cần mục đích và ý nghĩa. Ý nghĩa có thể gói gọn hay lớn hơn những mục đích cá nhân. Nhỏ bé như làm tốt công việc hôm nay, lớn lao như góp phần giúp đỡ xã hội. Bằng một cách nào đó, chúng ta đều cần tìm ra ý nghĩa đằng sau những việc mình làm trong cuộc sống.
A (Achievement): Thành tựu. Những gặt hái của bạn trong công việc, nhưng ghi nhận, tôn vinh từ người khác dành cho bạn.
Chính các thuộc tính xã hội, tương tác giữa người với người hàng ngày này mang lại cho con người những trải nghiệm về hạnh phúc.
Hãy tự hỏi tâm trí bạn, lần gần đây bạn cảm thấy hạnh phúc nhất là vì điều gì? Hẳn câu trả lời sẽ nằm đâu đó trong nhóm 5 thuộc tính này.
Những hiểu lầm về hạnh phúc
Một trong những hiểu lầm lớn nhất về hạnh phúc, đó là hạnh phúc đồng nghĩa với lúc nào cũng phải vui vẻ, sung sướng, mãn nguyện với nụ cười trên môi.
Hiểu lầm thứ hai là mọi người nghĩ cứ “mặc kệ” những cảm xúc khó, những khó khăn trong cuộc sống thì sẽ hạnh phúc hơn.
Nhưng thực tế không phải như vậy.
“Hạnh phúc thực sự là trải nghiệm một cuộc đời phong phú với tâm trạng cởi mở, bao dung, tò mò. Đó là khi ta mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp cùng với những điều tồi tệ theo một cách tích cực.”
Sự đa dạng về cảm xúc, thông qua việc sẵn sàng trải nghiệm nhiều cảm xúc - cả tích cực lẫn tiêu cực - chính là cách để sức khỏe tinh thần của chúng ta tốt hơn.
Nếu đó là một cảm xúc vui vẻ thì thật tuyệt, bạn hãy đơn giản tận hưởng nó.
Còn nếu đó là một cảm xúc khó khăn, một nỗi buồn… thì cũng không sao, hãy đơn giản là trải nghiệm nó. Hệt như khi bạn trải nghiệm một cơn nóng rát khi đưa bàn tay mình ra ánh nắng buổi trưa hè. Bạn trải nghiệm cơn nóng, thấu hiểu nó. Còn khi không muốn nữa, bạn chỉ đơn giản là rút đôi tay mình vào bóng mát.
Hãy hiểu rằng, sự lạc quan lành mạnh không có nghĩa là phải che giấu đi cảm xúc thật của mình. Hạnh phúc không có nghĩa là làm khổ đau biến mất mà chính là khả năng phục hồi từ khổ đau đó.
Một hiểu lầm khác về hạnh phúc đó là mọi người cho rằng “trạng thái hạnh phúc” là một đích đến viên mãn, nhưng chúng ta quên mất điều thực sự quan trọng là hành trình.
Việc tìm ra điều gì khiến ta thực sự hạnh phúc trên hành trình đó mỗi ngày và thường xuyên tham gia vào hoạt động này giúp chúng ta có cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn - mỗi ngày.
Nói cách khác, hạnh phúc không phải là thứ chúng ta theo đuổi, mà là thứ chúng ta đồng ý cho nó xảy ra trong tâm trí mình. Chúng ta được trải nghiệm hạnh phúc khi tận hưởng được khoảnh khắc hiện tại, thả mình vào một cuộc sống có ý nghĩa, mục đích.
Giải mã hạnh phúc
Cùng với đó là quan niệm phổ biến rằng chúng ta cần sở hữu nhiều hơn để được hạnh phúc hơn. Điều này có phần đúng, nhưng sau khi các nhu cầu cơ bản được đáp ứng - như thức ăn, nước uống và nơi ở - thì quan niệm này sẽ trở nên phản tác dụng.
Nỗ lực để sở hữu nhiều hơn là một trò chơi không có người thắng.
Bạn luôn muốn thu nhập cao hơn, chiếc xe mới hơn, hay một trải nghiệm độc đáo khác để thử nghiệm. Bạn sẽ không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có, hoặc chỉ hài lòng trong chốc lát.
Thực tế, hạnh phúc không liên quan đến việc sở hữu nhiều hơn mà nó liên quan đến việc cần ít hơn.
Hãy trân trọng những gì bạn đang có, những trải nghiệm bạn đã trải qua và bạn sẽ thấy hạnh phúc tự nhiên xuất hiện như một nguồn nước tươi mát dưới lòng đất. Bạn sẽ sống hoàn toàn trong hiện tại. Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế sẽ thu hẹp.
Cuộc sống không phải là một câu chuyện cổ tích, nhưng bạn có thể viết lại một số câu chuyện nội tâm không còn hữu ích nữa. Mặc dù bạn phải từ bỏ ý tưởng rằng một ngày nào đó "tôi sẽ có tất cả", nhưng cuối cùng, nó sẽ đưa bạn đến gần hơn với điều mà bạn đang tìm kiếm: Hạnh phúc thật sự
Sự thật là chúng ta không thể kiểm soát tất cả những gì xảy ra xung quanh. Do đó, việc kiểm soát cách chúng ta nhìn nhận và giải thích những tình huống đó lại vô cùng quan trọng.
Nếu bạn tin rằng hạnh phúc là một cuộc sống không có trở ngại, bạn sẽ không bao giờ thực sự hạnh phúc - kể cả khi cuộc sống đang thuận buồm xuôi gió.
Cuộc sống thực ra là một chuỗi liên tục của những thử thách. Một số thử thách có thể vô cùng to lớn - như chiến tranh nổ ra ở quê hương - trong khi những thách thức khác chỉ gây phiền toái - như việc đổ cà phê vào máy tính xách tay. Nếu bạn trì hoãn hạnh phúc cho đến khi cuộc sống không còn trở ngại, bạn sẽ chìm sâu trong đau khổ và tuyệt vọng trước khi kịp nhận ra hạnh phúc đã ở ngay bên mình từ lúc đầu.